Bằng cách theo dõi số người hút thuốc chết do ung thư phổi và so sánh với tỷ lệ những người chết do ung thư phổi mà không hút thuốc, các nhà nghiên cứu có thể uớc tính được số người chết do hút thuốc. Tính tới 2015, 6,4 triệu cái chết mỗi năm có liên quan tới thuốc lá. 52% số ca tử vong này đến từ 4 nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Theo các nhà nghiên cứu, một phần là do yếu tố nhân khẩu học bởi Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đều theo thứ tự là những quốc gia đông dân nhất, nhì và thứ 3 thế giới.
Duy có Nga dù là quốc gia xếp thứ 9 về dân số nhưng lại có tỷ lệ người chết do hút thuốc xếp thứ 4. Tại Việt Nam, mặc dù không phải thuộc tốp quốc gia có tỷ lệ tử vong nhiều nhất do thuốc lá nhưng tỷ lệ người hút thuốc vẫn còn ở mức cao với 1,4% nữ giới và 35,4% nam giới tính tới 2015. Dù vậy thì cũng có những nỗ lực đáng khích lệ khi mà so với 1990, tỷ lệ người hút thuốc tại Việt Nam đã giảm 4,4% ở nữ giới và 1,5% ở nam giới.
Cũng có trường hợp như Brazil, dù là quốc gia đông dân thứ 5 thế giới nhưng tỷ lệ người dân hút thuốc lại giảm hơn 56% từ những năm 1990 nhờ vào tác động tích cực của biện pháp giáo dục cộng đồng lẫn chính sách thuế cao. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những quy định nghiêm ngặt về thuốc lá sẽ có thể giới hạn số người mua các sản phẩm thuốc lá, địa điểm mua và cách tính giá, từ đó khiến thuốc lá khó mua hơn, hỗ trợ người nghiện chống lại sự nghiện thuốc của họ.
Một nghiên cứu khác vừa công bố trên tạp chí American Journal of Public Health đã nhận thấy rằng chuỗi cung ứng dược phẩm CVS đã ngừng bán thuốc lá tại Mỹ và nhờ đó, doanh thu bán thuốc đã giảm rõ rệt. Hồi năm 2014, Nga đã thông qua các luật kiểm soát thuốc lá nhưng so vẫn còn quá sớm để nghiên cứu lần này có thể xác định được tác động của các đạo luật này.
Theo Emmanuela Gakidou, nhà nghiên cứu tại Viện uớc lượng và đo lường sức khỏe, Đại học Washington, đồng tác giả của nghiên cứu lần này cho rằng: “Một trong những điểm mạnh của nghiên cứu lần này so với các nghiên cứu tiến hành trước đây chính là chúng tôi có lượng dữ liệu lớn, đến từ nhiều nguồn. Số nguồn dữ liệu đã tăng lên gần 40% so với các nghiên cứu công bố hồi 2013. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã có trong tay gần 3000 năm dữ liệu các quốc gia. Bằng cách này, các phép uớc lượng sẽ được cải thiện, khiến những con số trở nên cập nhật hơn.”
Về tổng thể thì tỷ lệ người hút thuốc nhìn chung tại các quốc gia đã giảm 25% so với năm 1990. Duy chỉ có 4 nước là Công, Azerbaijan, Kuwait và Timor-Leste là có tỷ lệ người hút thuốc tăng lên. Một số nước khác, như Philippines hoặc Indonesia thì vẫn còn chưa chuyển biến bởi ảnh huởng mạnh từ các hãng thuốc lá. Một số quốc gia khác tại Đông Nam Á đã ban hành các chiến dịch chống hút thuốc nhưng vẫn còn thiếu quy chuẩn luật pháp lẫn mức độ tuyên truyền nên vẫn chưa đạt được mức giảm mong muốn.
Tuy nhiên, tin xấu là do dân số tiếp tục tăng lên nên sẽ ngày càng có nhiều cá nhân hút thuốc bất chấp tỷ lệ người hút thuốc toàn cầu đang giảm. Và cuối cùng, 6,4 triệu cái chết do thuốc lá dù có thể ngăn chặn được vẫn còn là quá nhiều.